Nhà cách mạng Trần Tử Bình qua lời kể của võ sư Trần Việt Trung: Một cuộc đời như huyền thoại



nhiều lần trì hoãn, năm 2021, buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết Người Công giáo Cộng sản cũng đã diễn cách đây vài tháng. Hội trường Thư viện Quốc gia hôm ấy đông kín. Quan sát một cách ý nhị, tôi hiểu rằng số độc giả đến dự chắc cũng đã không được thông báo một cách rộng rãi. Tác giả Trần Việt Trung của những cuốn sách "Quyền sư", "Thầy Thiên Đức", "Sư đệ học phái dưỡng sinh nhu quyền", "Người Công giáo Cộng sản" … là võ sư của môn phái "Vịnh Xuân quyền" có nguồn gốc từ Trung Quốc, học trò của bậc quyền sư Ngô Sỹ Quý. Viết tiếp giấc mơ mà người thầy gửi gắm, võ sư Trần Việt Trung đã lập ra môn phái "Dưỡng sinh nhu quyền" mang tinh thần Việt Nam với hàng ngàn võ sư và môn sinh.

Trần Việt Trung có 2 người thầy lớn là quyền sư Ngô Sỹ Quý của võ thuật và Lương y Thiên Tích của y thuật. Ông bởi thế trọng nghĩa thầy trò, đề cao đạo lý. Đám tang Lương y Thiên Tích, người ta chứng kiến Võ sư Trần Việt Trung đứng ra lo tang và túc trực bên linh cữu thầy như đối với một người cha.

Rời ngôi nhà phố Trần Hưng Đạo, nhiều năm trước võ sư Trần Việt Trung chọn một khuôn viên rộng rãi ở làng Yên Sở Thượng làm nơi ở và dạy võ, bốc thuốc. Học trò ông vẫn gọi một cách trang trọng là Sở gia trang. Giỏi võ và giỏi đông y, thậm chí còn giỏi cả… tử vi, bốc quẻ, nhưng ông chỉ luyện võ và bốc thuốc vào buổi tối, sau một ngày điều hành 2 nhà máy tư nhân liên doanh với nước ngoài chuyên sản xuất vật liệu ngành sơn.

Võ sư Trần Việt Trung là con trai út của Thiếu tướng Trần Tử Bình – một trong những Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tháng 8/1945

Điều đặc biệt là bà mẹ, bà Nguyễn Thị Hưng cũng là một nhà cách mạng hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa. Khi kết hôn với nhà cách mạng Trần Tử Bình, bà Nguyễn Thị Hưng đang là Trưởng ban cán sự tỉnh Ninh Bình – vị trí tương đương Bí thư Tỉnh uỷ bây giờ.

Trong những ngày tháng Tám, giữa võ đường nhìn ra một vườn rau xanh tốt, nơi đặt trang trọng tượng vị tướng được phong đợt đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Võ sư – nhà văn Trần Việt Trung chậm rãi trò chuyện. Hình như "nhu quyền" làm ông luôn giống một người ở ẩn hơn là một võ sư.

Nhà văn Hà Ân đã từng viết cuốn Phú Riềng đỏ về cuộc nổi dậy của công nhân đồn điền cao su Phú Riềng do chàng thanh niên Trần Tử Bình lãnh đạo. Trong cuốn Người Công giáo Cộng sản, nhân vật Trần Tử Bình được ông tái hiện như nào?

- Cuốn tiểu thuyết Người Công giáo Cộng sản trải dài trong mốc thời gian từ đầu thế kỷ 20 đến gần cuối thế kỷ 20. Trong đó giai đoạn 1930 đến 1945 là giai đoạn tôi viết nhiều về phẩm chất của người Cộng sản thông qua nhân vật Trần Tử Bình. 

Chúng ta nhìn lại thì thấy rõ ràng các nhà cách mạng khi giác ngộ tự nguyện đi theo cách mạng họ xuất thân từ các thành phần khác nhau trong xã hội. Xuất thân khác nhau, đến khi giác ngộ vượt lên thì mới đạt tới tinh thần sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, điều này không đơn giản một ngày mà là một chặng đường.

Ông có ngại là con viết về cha, cho dù có là thể loại tiểu thuyết, thì vẫn không tránh khỏi sự không khách quan?

- Tôi cố gắng viết tất cả mọi khía cạnh về cuộc đời một nhà cách mạng mà không đặt điều kiện cái gì nên viết cái gì không nên viết, vì như thế thì nó khiếm khuyết lắm. Anh chị em tôi đều rất quý trọng nhà văn Hà Ân. 

Nhưng trong cuốn tiểu thuyết Người Công giáo Cộng sản đoạn tôi viết về nhân vật Trần Tử Bình lãnh đạo cuộc nổi dậy ở Phú Riềng, người nhà tôi đều cho rằng tôi viết thật hơn, đời hơn khi có những chi tiết mà thời bác Hà Ân viết thì chắc chưa nên viết.

Khi chuẩn bị để viết Người Công giáo cộng sản tôi đã cố gắng đi tìm hiểu, tập hợp, trao đổi với các nhà cách mạng thế hệ sau cha tôi. Thế hệ trước thì mất hết rồi, tìm hiểu lại tất cả các ngóc ngách, đọc thêm các tư liệu bên ngoài để cố gắng tái hiện một cách khách quan, cố gắng nhất thôi, còn được bao nhiêu thì không biết.

Trong quá trình tiếp cận với tư liệu lịch sử, theo ông vai trò của Xứ uỷ Bắc Kỳ có ý nghĩa như nào trong sự kiện khởi nghĩa tháng Tám ở Hà Nội? Nhà sử học Dương Trung Quốc đã cho rằng khi Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào vừa kết thúc thì đã nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa xong rồi.

- Xứ uỷ Bắc Kỳ lúc đó Bí thư Nguyễn Văn Trân và Thường vụ Trần Quốc Hoàn đi họp Hội nghị Quốc dân Tân Trào. Ở nhà chỉ còn 2 Thường vụ là Trần Tử Bình và Nguyễn Khang. Ông Trần Tử Bình khi đó 38 tuổi, là người cao tuổi nhất, nhiều tuổi đảng nhất, lại dày dặn kinh nghiệm. 

Khi đó ở nhà, bằng linh cảm, các nhà cách mạng nhận định thắng lợi đang đến rất gần. Có một câu hỏi được đặt ra lúc ấy: Nếu thời cơ đến thì sao? Xứ uỷ có quyền quyết định Tổng khởi nghĩa không? Nếu thời cơ đến mà chưa nhận được chỉ thị thì có dám quyết định không? Khi tôi viết trong Người Công giáo Cộng sản thì tôi nói rằng đây là cuộc đấu tranh nội bộ của các xứ uỷ viên, rất khó khăn.

Khi nghe tin Nhật đã chấp nhận giải giáp vũ khí, Thường vụ Trần Tử Bình lập tức triệu tập các xứ uỷ viên về họp ngay ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) trong 2 ngày. Ngày 14-15/8 tại Tân Trào là Đại hội Đảng toàn quốc, ngày 16-17 là Hội nghị Quốc dân Tân Trào. Thì ở dưới xuôi này, Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ triệu tập Hội nghị xứ uỷ. 

Đó là 2 ngày nhận định trao đổi để cùng quyết định. Trong tay Xứ uỷ chỉ có Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, chứ còn nghị quyết Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào chưa có, kể cả Quân lệnh số 1 đêm 13/8 cũng chưa về đến nơi.

Thế nhưng ngày 14-15, các nhà cách mạng dưới xuôi của Xứ uỷ Bắc kỳ đã ra thông cáo của Kỳ bộ Việt Minh yêu cầu tất cả các địa phương có điều kiện thì nổi dậy.

Khi các nhà lãnh đạo Trung ương họp xong Hội nghị Quốc dân ở Tân Trào thì đã nghe tin Hà Nội khởi nghĩa thành công. Đồng chí Trường Chinh kể khi về đến Hà Nội thì đã có chính quyền rồi.

Khi Xứ uỷ Bắc Kỳ quyết định khởi nghĩa, thì ngày 18 Bắc Giang, Hải Dương đã giành được chính quyền. Các vùng ven Hà Nội cũng đã giành được chính quyền rồi. Hà Nội ngày 19/8 thì xong.

Khởi nghĩa tháng Tám thành công khi chưa nhận được chỉ thị của Trung ương là vận mệnh của dân tộc đến thời điểm hội tụ lại và trọng trách được đặt lên vai các nhà lãnh đạo cách mạng của Xứ uỷ Bắc kỳ lúc ấy. Ở đây tôi không muốn nói đến vai trò cá nhân nhưng rõ ràng các Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ lúc ấy là Trần Tử Bình, Nguyễn Khang và các xứ uỷ viên như Xuân Thuỷ, Văn Tiến Dũng… đã chịu trọng trách và đưa ra quyết định đầy trách nhiệm trước lịch sử.

Khi đó không phải trong Xứ uỷ đã thống nhất ý kiến, còn có những ý kiến lo ngại: Thời cơ đến nhưng thất bại thì sao? Tôi nghe kể rằng ông Trần Tử Bình lúc ấy có nói: Nếu để chờ có Chỉ thị mà thời cơ qua đi thì chúng ta có tội với Đảng, có tội với nhân dân.

Vì thời cơ chỉ có trong vòng 5 ngày từ 17/8 đến 21/8 là thời gian Nhật ngừng bắn. Vận nước đã đến với chúng ta vào ngày 19/8.

Trong rất nhiều dấu ấn suốt cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Trần Tử Bình, ông cho rằng đâu là chặng đường đáng nhớ nhất?

- Cha tôi là nhà cách mạng thế hệ đầu tiên lại trải qua rất nhiều hoàn cảnh khốc liệt trên con đường giải phóng dân tộc nên mỗi thành công hay thất bại đều là những bài học rất đáng nhớ! Ông đã lãnh đạo cuộc nổi dậy đầu tiên của Đồn điền cao su Phú Riềng vào đúng ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mùng 3 tháng 2 năm 1930. Ông đã bị bắt và đi đày trong hệ thống nhà tù của Pháp 3 lần, ông đã tổ chức vượt ngục cho các nhà cách mạng Tống Văn Trân và Ngô Gia Tự ở Côn Đảo, rồi cuộc đại vượt ngục Hỏa lò tháng 3 năm 1945. 

Rồi như chúng ta vừa bàn rất sâu, là Thường vụ xứ ủy Bắc kỳ - ông cùng các đồng chí đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tháng 8 năm 1945. Ông thành lập trường đào tạo quân sự ngay sau ngày Tuyên ngôn Độc lập trong tháng 9 năm 1945. Cha tôi trực tiếp cùng các bạn chiến đấu đánh bại quân Pháp trên mặt trận phía tây của chiến dịch đầu tiên Pháp đánh lên Việt Bắc.

Sau trận này, ông là một trong 11 vị tướng được Nhà nước và Hồ Chủ tịch phong đợt đầu tiên. Ông điều tra và xử vụ án Trần Dụ Châu, vụ án tham nhũng đầu tiên của chính phủ kháng chiến. Ông là những người trực tiếp sửa sai trong cải cách ruộng đất với cương vị Tổng thanh tra quân đội, phó Tổng thanh tra chính phủ. Ông là đại sứ có uy tín tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tận dụng tối đa sự ủng hộ của một nước lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ... 

Thời kỳ ông làm Đại sứ 1959-1967 (hơn 2 nhiệm kỳ) lần đầu tiên trong lịch sử 2 nước người ta nói đến tình đoàn kết nhân dân 2 nước Việt - Trung. Mà tôi nghĩ cuộc đời ông chặng nào cũng rất đáng nhớ !

Tuy nhiên, cha tôi hay nói với các con, hai mốc lịch sử đời ông thấy hào hùng nhất là cuộc nổi dậy ở Phú Riêng năm 1930 và thành công của Cách mạng tháng Tám mà ông trực tiếp lãnh đạo.

Ở cuốn tiểu thuyết Người Công giáo cộng sản, có bao nhiêu phần trăm là ông hư cấu?

- Tôi không phải là một nhà văn chuyên nghiệp, nên dùng tỉ lệ phần trăm định giá là rất khó khăn. Tất cả các sự kiện, sự việc diễn ra hầu như là sự thật. Hư cấu là tôi phải nhập vào vai đó để trạng thái, để tình cảm, để tâm hồn, ngôn ngữ nó được hiện ra cho nó hợp với các tình tiết lịch sử, các sự kiện lịch sử. 

Tôi có một thuận lợi là một giai đoạn dài tôi được các cô chú cùng hoạt động với cha mẹ tôi kể những câu chuyện hay lắm nên dễ hình dung và dễ làm cho nó sống lại.

Đoạn nào trong cuốn tiểu thuyết này được ông viết tâm trạng nhất?

- Đám cưới cha mẹ tôi. Đám cưới giữa một tù nhân cộng sản vừa vượt ngục ở nhà tù Hoả Lò với Trưởng ban cán sự tỉnh Ninh Bình. Cũng chính vào năm 1945, trước cuộc Khởi nghĩa tháng Tám vài tháng. Khi vượt ngục ra còn bao nhiêu quỹ hoạt động, ông Trần Tử Bình đã chia hết cho anh em, chỉ còn giữ lại 2 đồng. Khi báo cáo tổ chức về việc làm đám cưới, hỏi có yêu cầu gì thì chỉ xin một đĩa xôi. Ông Trần Tử Bình đưa cho chủ nhà 2 đồng bạc bảo đi mua cái gì "tươm tươm một tí, mình là nhà giai". 

Nửa tiếng sau chủ nhà quay về đứng ở cửa khóc không dám vào, ông hỏi làm sao thì mới bảo khổ quá tiền đã bị móc túi mất. Ông Bình nhẹ nhàng bảo nhà còn khoai dây không thì lấy cho 2 đĩa, "thế này vẫn sang chán, trong tù có mơ cũng không có" (chị có biết khoai dây chỉ là phần dây hơi to ra, không phải củ khoai đâu).

Tôi đã viết chi tiết này về thái độ ứng xử của nhân vật Trần Tử Bình nhẹ thoát như mũi tên bắn đi. Nhưng lòng nặng trĩu. Đám cưới của cha mẹ tôi chỉ có một đĩa xôi và 2 đĩa khoai dây. Ở góc độ của người cầm bút khi tôi hoá thân vào bà mẹ tôi thì đau xót lắm. Đối với người phụ nữ, cho dù bà cũng là một nhà hoạt động cách mạng, thì khi lấy chồng ít ra là dấu mốc của một đời người. Chi tiết này hoàn toàn là sự thật, tôi không hư cấu một chút nào.

Cụ Trần Tử Bình có để lại hồi ký không, thưa ông?

- Không, cha tôi mất sớm, trước năm 1975 hầu như ít người có hồi ký. Chỉ có giai đoạn năm 1951, khi được cử sang làm Chính uỷ trường Sĩ quan Lục quân đặt ở Vân Nam (Trung Quốc) thì ông có vài trang hồi ký đánh máy, chắc ông kể rồi nhờ cán bộ nào đánh máy.

Quãng thời gian này có phải là lý do để sau này Thiếu tướng Trần Tử Bình được cử đi làm Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc?

- Trước cha tôi thì ông Nguyễn Khang làm Đại sứ. Năm 1959, khi Đại sứ Nguyễn Khang về nước, cần cử một người khác, thì có nghe kể rằng Cụ Hồ đã nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về nhân sự rồi. Nhưng vẫn đề nghị hỏi ý kiến "phía bạn" xem thế nào. Phía bên kia trả lời là Trần tướng quân, trùng hợp với ý ông cụ, thế là Thiếu tướng Trần Tử Bình trở thành Đại sứ.

Trong buổi tiễn cha tôi đi làm Đại sứ, có Bác Hồ và các nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng cùng dự, Cụ Hồ đã nói: Trước là tướng quân trên mặt trận quân sự, bây giờ chú là tướng quân trên mặt trận ngoại giao. Mặc dù trước đó đã ở Trung Quốc thời kỳ làm Chính uỷ trường Sĩ quan Lục quân rồi, ông Trần Tử Bình vẫn đề nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí khác ai có mối quan hệ cá nhân với các nhân vật lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì viết thư tay giới thiệu ông. 

Đi việc công nhưng phải có mối quan hệ tư, đó là phương pháp làm việc của ông Trần Tử Bình. Thực sự sau này tôi ngồi trao đổi với nhiều nhà ngoại giao và tình báo thì các kênh cá nhân đều quan trọng. Ông đã làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ 1959 đến năm 1967 khi ông về nước họp và đột ngột qua đời. Hồi ấy một nhiệm kỳ ngoại giao 3 năm, thế là tới hơn 2 nhiệm kỳ.

Khi hết nhiệm kỳ thứ nhất thì Cụ Hồ nói chú phải làm thêm nhiệm kỳ nữa thôi, không ai thay được. Thế là kéo dài đến tận nhiệm kỳ thứ 3. Trong khi ấy tâm sự với vợ con ông ước ao chỉ mong một ngày thống nhất để về Đồng bằng Nam Bộ làm nông nghiệp. Cha tôi thích sống với đồng bào Nam Bộ.

Chặng đường Đại sứ Trần Tử Bình có gì đặc biệt, thưa ông? Thời điểm khó khăn nhất là gì?

- Cha tôi sang Trung Quốc, buổi trình quốc thư của ông lên Chủ tịch Đảng kiêm Chủ tịch nước Mao Trạch Đông lúc 12h đêm. Nghe nói là khi xe của Đại sứ Việt Nam đến, Mao chủ tịch phá lệ, xuống tận sảnh đón và dắt tay Đại sứ VN đi vào. Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng cho Đại sứ VN mắc đường dây nóng gọi thẳng đến văn phòng Trung ương Đảng. Nhiều thuộc cấp phản đối việc này, nhưng Mao Trạch Đông cả quyết: Vì Trần đại sứ là bạn chiến đấu (2 người đã quen nhau hồi cha tôi là Chính uỷ Trường sĩ quan Lục quân)

Thời gian làm công tác ngoại giao, Đại sứ Trần Tử Bình luôn luôn tận dụng các cơ hội để xin được viện trợ nhiều nhất khí tài vật lực tiếp sức cho cuộc kháng chiến ở nhà đang vào những năm tháng gay go nhất. Khi được phía bạn viện trợ cho 1.000 xe giải phóng, ông đã lấy lý do trên đường xe vận chuyển vũ khí, lương thực vào Nam gặp bom đạn đánh phá nhiều khi phải bỏ lại, nên xin các đồng chí viện trợ thêm cho đủ phụ tùng thay thế cho 1000 cái xe. Thế là viện trợ 1.000 cái kèm phụ tùng đủ thay thế, thực chất là thành 2.000 cái.

Giai đoạn khó khăn nhất là khi Trung Quốc nổ ra cách mạng văn hoá. Họ yêu cầu Đại sứ Việt Nam phải bày tỏ thái độ về sự kiện này. Một câu trả lời thuộc loại khó khăn nhất trong đời làm Đại sứ của ông. Khi phát ngôn, để có câu trả lời thoả đáng, Đại sứ Trần Tử Bình đề cập đến các cuộc cách mạng của Trung Quốc nhưng né hoàn toàn chữ văn hoá và câu trả lời được họ chấp nhận.

Nếu không phiền thì ông có thể kể về những ngày cuối cùng của Đại sứ Trần Tử Bình, khi vẫn đang dang dở nhiệm kỳ thứ ba?

- Khi ông Trần Tử Bình đang đi công tác xuống tỉnh Vân Nam thì có lệnh triệu tập Đại sứ về Việt Nam họp gấp vào tháng 1/1967. Lúc ấy xuống Vân Nam xong cha tôi dự định sẽ sang Quảng Tây – nơi có trường Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam để thăm 3 anh tôi đang học ở đó. Nhưng không ngờ cha con không gặp được nhau. 

Khi Bộ Chính trị điện gấp thì từ Côn Minh cha tôi bay về ngay. Vì tình hình trong nước khi ấy Mỹ đưa nửa triệu quân vào chuẩn bị cho cuộc chiến tranh đặc biệt. Ông về dự họp để chuẩn bị ngay các bước sang bên kia làm thế nào tranh thủ được sự giúp đỡ cho cuộc chiến tranh.

Cuộc họp quan trọng và căng thẳng nên khi kết thúc cuộc họp thì huyết áp ông tăng cao đột ngột, phải cấp cứu vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Kết quả là ông bị tai biến, nhồi máu cơ tim, xuất huyết não. Cha tôi vẫn tỉnh táo và được đưa về nhà, ông không biết bệnh mình nặng như nào.

Đúng đêm giao thừa của cái Tết năm 1967, khi mẹ tôi và chị Hạnh Phúc đang ngồi cạnh, bóp chân tay cho ông thì đột ngột cửa kẹt mở, chúng tôi nhìn thấy Bác Hồ đi vào. "Đây là táo của Chủ tịch Chu Ân Lai tặng Bác, chú ốm thì Bác đem đến tặng chú. Chú là nhất đấy, được Đảng và nhân dân hai nước quan tâm" – Bác Hồ nói hóm hỉnh. Rồi ông cụ nói thêm: Cách mạng lúc này rất cần những người như chú. Cha tôi tỏ ra ngạc nhiên vì sao Cụ Hồ lại nói thế, ông vẫn nghĩ bệnh mình vài ngày nữa là khoẻ thôi.

Ba ngày sau thì cha tôi mất, đúng ngày mồng 3 Tết. Bác Hồ đến viếng "chú Bình", 3 anh tôi đang học ở trường Nguyễn Văn Trỗi không về được, còn mấy mẹ con tôi quây quanh Bác khóc, tôi khi ấy là một cậu bé 8 tuổi, ngước mắt nhìn lên thấy Bác Hồ cũng nước mắt chảy tràn trên má.

Đấy cũng là một hình ảnh thật, tôi không hư cấu được!

Có thiệt thòi cho những người con không khi mà cả cuộc đời vị Tướng Trần Tử Bình gắn với vận mệnh đất nước hơn là gia đình. Tới mức ngay cả tên các con cũng được cụ đặt gắn với từng giai đoạn lịch sử?

- Có chứ. Sự xuất hiện của người cha với những lời dạy về cách sống, cách ứng xử là rất cần thiết để giáo dục con cái trong gia đình. Thế nhưng, cha tôi đi vắng suốt. Bù lại, mẹ chúng tôi luôn đem tấm gương của chồng ra dạy các con, và anh chị em chúng tôi cũng nhắc nhở nhau để đừng bị trượt xa quá, làm cho cha mẹ phiền lòng. 

Cha mẹ tôi là những nhà cách mạng, mỗi bước tiến của đất nước đều được ghi lại trong gia đình bằng tên của từng đứa con: Trần Yên Hồng, Trần Kháng Chiến, Trần Thắng Lợi, Trần Kiến Quốc, Trần Thành Công, Trần Hữu Nghị, Trần Hạnh Phúc… Tên tôi ghi dấu năm ông bắt đầu làm Đại sứ ở Trung Quốc.

Về cuộc sống gia đình, thì phải nói rằng ông rất khát khao hạnh phúc đó nhưng không bao giờ thấy được mãn nguyện, vì với ông công tác cách mạng đặt lên trên hết.

Sinh ra trong một gia đình như vậy có là một áp lực không, thưa ông. Các anh chị em trong gia đình ông luôn tâm niệm điều gì khi nghĩ mình là con của những nhà cách mạng mẫu mực?

- Chúng tôi không hề chịu một áp lực nào từ gia đình và xã hội. Chúng tôi chọn một cách sống, hay đúng hơn là cha mẹ đã dạy chúng tôi: Sống trung thực, lao động chân chính, yêu quý mọi người, biết bảo vệ cái đúng, không bon chen, sống khiêm nhường và có ích cho xã hội. Làm được như vậy, cha mẹ sẽ vui lòng.

Ông có thể kể thêm về mẹ, một người phụ nữ cũng vĩ đại không kém khi vừa là một nhà hoạt động cách mạng vừa trở thành hậu phương cho tướng quân Trần Tử Bình?

- Đó là người mẹ vô cùng kính yêu của chúng tôi, một người chiến sĩ Cộng sản. Trước năm 1945, mẹ tôi từng làm Trưởng ban cán sự tỉnh Hà Nam, Trưởng ban cán sự tỉnh Ninh Bình. Sau đó Xứ uỷ điều về Hưng Yên nằm trong thường vụ tỉnh uỷ để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở Hưng Yên. 

Hình ảnh người phụ nữ trong phim Sao tháng Tám chính là nguyên mẫu từ bà Nguyễn Thị Hưng – mẹ tôi. Sau ngày Độc lập, đi lên Việt Bắc kháng chiến, bà tham gia Tỉnh uỷ Phú Thọ, Tỉnh uỷ Thái Nguyên, rồi Tỉnh uỷ viên Bắc Giang, công tác của bà thời kỳ này là tổ chức và phụ vận.

Năm 1951, bà là Tiểu đoàn trưởng phụ trách hiệu bộ trường Sĩ quan lục quân. Về nước bà chuyển sang Bộ Công thương.

Bà là nhà cách mạng, và rất nhiều kinh nghiệm trong vận động phụ nữ. Sau giải phóng, bà xung phong nhận làm Tổng giám đốc một đơn vị yếu kém nhất của ngành. Khi vực dậy được doanh nghiệp, trở thành đơn vị được biểu dương, nhận lẵng hoa từ Chủ tịch nước xong thì bà xin nghỉ hưu. 

Nhiều người thắc mắc khi bà không được nhận huân huy chương xứng đáng với đóng góp của bà, nhưng chúng tôi thì hiểu, phần thưởng cao quý nhất đối với mẹ chúng tôi là Tết năm ấy, khi bà nghỉ hưu thì nhận được quà cảm ơn từ một phụ nữ, cô ấy vốn đã từng ở trại phục hồi nhân phẩm sau giải phóng. Lúc lãnh đạo đơn vị sản xuất bà đã đến thăm và tạo công ăn việc làm cho cả một trại phục hồi nhân phẩm.

Điều gì khiến ông đến với võ thuật?

- Khi cha mất tôi còn nhỏ lắm. Là đứa trẻ mồ côi cha, tôi thấy mình yếu ớt, cô độc trong cuộc đời, có lẽ đó là động cơ để tôi đến với võ, làm cho mình tự tin hơn, vững vàng hơn. Nhưng hình như tố chất, tinh thần võ học ở cha tôi đã truyền sang tôi, chàng trai Trần Tử Bình lúc mới lớn lên đã được các thầy võ xứ Đạo dạy khi ở nhà thờ.

Ông sẽ tiếp tục viết văn chứ?

- Cái tập giấy chị đang cầm trên tay có thể là bản thảo cuối cùng của tôi. Hiện tôi đang còn một cuốn sắp được in. Và dự định viết nốt cuốn này thì nghỉ, không viết văn nữa.

Một võ sư, một thầy thuốc, một nhà kinh doanh, một người viết văn – những việc ấy ông thích làm việc gì hơn?

- Việc nào tôi cũng thích, nếu không thích tôi đã không làm. Mỗi việc đến với tôi đều có những thời điểm riêng. Có điều, những cái đến trước vẫn cứ ở lại để hòa quyện với những cái đến sau, mà chúng không bỏ tôi đi!

Ông có thấy mình may mắn khi cuộc đời luôn gặp những người thầy lớn: Một người cha nổi tiếng tài giỏi đức độ, một "Quyền sư" hiếm có và một thần y? Ai là người có ảnh hưởng nhất tới ông?

- Đúng vậy. Không chỉ là may mắn mà tôi thấy hạnh phúc. Tôi không thể so sánh vì họ không cùng hệ quy chiếu. Cha tôi và những người thầy đều là một phần tạo nên cuộc sống cho tôi. Cha tôi cho tôi một nếp sống, một ý chí. Các bậc thầy cho tôi kiến thức và quan niệm để thâm nhập xã hội.

Vừa rồi người ta cũng nhắc nhiều đến những bài thuốc đông y có thể dùng cho phác đồ điều trị Covid-19. Ông thấy thế nào về việc này?

- Trung Quốc ngay từ đầu đã tận dụng đông y vào điều trị Covid-19. Các nước khác trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật đều vậy. Còn chúng ta lúng túng và bỏ phí lĩnh vực này. Vừa rồi đề cập đến thì lại gặp lùm xùm.

Điều này dễ hiểu thôi vì trong điều kiện bình thường nhiều năm qua, đông y tại các bệnh viện của Việt Nam lép vế hoàn toàn, không có vai trò mấy. Hệ thống lương y ngoài xã hội có được đánh giá có được tôn trọng không hay chỉ được coi như mấy ông bán thuốc thu tiền.

Cho nên ở lĩnh vực này, Việt Nam còn lâu mới đạt được tầm như các nước trong khu vực. Mặc dù vốn liếng chúng ta không kém họ, lịch sử y học dân tộc không kém họ, tài năng không kém họ nhưng không biết sử dụng thì lãng phí, chúng ta lãng phí quá nhiều.

Cá nhân tôi vừa rồi trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như này cũng chỉ biết lặng lẽ chế thuốc phòng virus cho người nhà và những bạn bè thân thiết thôi.

- Xin trân trọng cảm ơn ông với cuộc trò chuyện cởi mở này.

Nhà cách mạng Trần Tử Bình tên thật là Phạm Văn Phu , sinh năm 1907 trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa tại huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông lấy tên là Trần Tử Bình khi hoạt động cách mạng với ý nghĩa là người sống phong trần, lãng tử, dám xả thân vì bình đẳng, chính nghĩa.

Năm 1930, ông lãnh đạo cuộc nổi dậy đầu tiên của Đồn điền cao su Phú Riềng. Ông bị bắt và đi đày trong hệ thống nhà tù của Pháp 3 lần, là ở Côn Đảo, nhà tù ở Hà Nam và Hỏa Lò.

Năm 1945, là Thường vụ xứ ủy Bắc kỳ - ông cùng các đồng chí đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ tháng 8/1945.

Sau ngày thành lập nước, ông lần lượt trải qua các chức vụ: Phó Giám đốc, Chính trị ủy viên Trường Quân chính Việt Nam; Phó giám đốc, Chính ủy Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn; Phó Bí thư Quân ủy Trung ương.

Năm 1948, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Cùng thời gian đó ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng thanh tra Quân đội, làm nhiệm vụ công tố viên trong phiên toà quân sự tối cao xét xử vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng năm 1950.

Tháng 8/1950, ông nhận nhiệm vụ Chính ủy trường Lục quân Trần Quốc Tuấn.

Năm 1956, ông làm Tổng Thanh tra Quân đội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam.

Năm 1959, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Trung Quốc, kiêm Đại sứ tại Mông Cổ liên tục cho đến khi mất đột ngột tại Hà Nội năm 1967.


[full-width]

lời nhắn nhủ

Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!

Mới hơn Cũ hơn