Tùy bút "Miếng ngon Hà Nội" của Vũ Bằng - Thèm một miếng quà Thủ đô

Dịch Cô Vuýt 19 ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến đời sống Văn hóa - Xã hội trong những năm qua. "Ai ở nhà cũng thành Master Chief"miếng cơm ở nhà ăn mãi cũng chán. Người ta lại thèm được lê la để kiếm được một "Miếng ngon Hà Nội" của nhà văn Vũ Bằng.

Công nghệ phát triển, nhịp sống hối hả, thương mại điện tử bùng nổ, đời sống nhân dân không còn giới hạn ở "ăn no mặc đủ". Người ta bây giờ lo "ăn ngon mặc đẹp", có điều kiện ở sẵn đích thì họ"ăn sung mặc sướng". Nhưng mỗi người mỗi mõm khác nhau, cảm nhận Miếng ngon Thủ đô họa chỉ có "Chúa tể gieo vần" Duy Nến là khác mọi người.

Song song với phát triển kinh tế, thông điệp 5T sẽ là "Pháo đài" chống dịch trong tăng cường giãn cách xã hội. Nhờ sự chung tay vào cuộc và nỗ lực bản thân mỗi cá nhân, gia đình sẽ tạo nên mỗi xã hội sẽ tạo nên kỳ tích. 


    Dù các lực lượng phản ứng vận chuyển nhanh chóng, tới mọi ngóc ngách hay đến tận giường. Thì đó vẫn chỉ là món ăn, không thể cứ thế mà đánh đồng với "Miếng ngon Hà Nội" được, miếng ngon phải là khiến nghĩ đến phải thèm, cắp đít lúc nửa đêm.

    Miếng ngon Hà Nội là một tác phẩm bút ký của nhà văn Vũ Bằng, một nhà văn người Hà Nội gốc và rất sành về các món ăn Hà Nội. Tác phẩm được viết tại Hà Nội vào mùa thu 1952, sửa chữa và viết thêm tại Sài Gòn năm 1956, 1958, 1959. Cuốn truyện xoay quanh 15 món ăn giới thiệu 15 món ăn đặc sản của Hà Nội cũng như cảm nhận, tâm tình và kỷ niệm của tác giả với Hà Nội thông qua các món ăn.

    Miếng ngon Hà Nội / Vũ Bằng / NXB Lao động / 1990

    Xin được giới thiệu các món ngon có nhắc đến trong "Miếng ngon Hà Nội", chắc chắn là đã thay đổi rất nhiều, không có hình ảnh selfie của tác giả với các món ăn đó, nên xin kiểm chứng qua những hình ảnh hiện tại. Còn nội dung là của tác giả, được nhặt nhạnh ngẫu nhiên và không hết ý, mời các bác mua sách hoặc xem tải về bên trên.

    1. Phở bò, món quà căn bản

    Thật thế, phở đối với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện.


    Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được...

    Xem thêm Lược đồ Phở để check in mỗi ngày?

    Ấy vậy mà người sành ăn phở, người ăn phở kỹ càng không thể dễ tính, nhất tề bước vào một cửa hiệu phở thứ nhất nào để mà ăn liều ăn lĩnh.

    2. Phở gà

    Điều người ta nhận thấy trước nhất là phở gà thanh hơn phở bò: thịt dùng vừa đủ chứ không nhiều quá: ở giữa đám bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen mấy sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ: tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân - nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.


    Thường thường, ngoài thịt gà thái mỏng ra, một bát phở gà vẫn có những miếng gan, mề, lòng, tiết, thái nhỏ để đệm vào cho thêm vui mắt và vui miệng.

    3. Bánh cuốn

    Ta chấm chiếc bánh trắng vào trong chén nước chấm màu hổ phách, đưa lên miệng và chưa nhai đã tưởng như bánh “chưa đến môi đã trôi đến cổ” mất rồi...


       Cái ngon của nó dịu hiền, óng mướt, nhưng đối với một số người thì có lẽ như thế hơi có ý “thanh nhã” quá nên người ta thỉnh thoảng đã điểm vào một miếng thịt quay ba chỉ, bì giòn tan. Một thứ thì mềm mà thanh, một thứ thì nục nạc mà lại giòn, tạo ra một “mâu thuẫn” cũng hơi là lạ.

    Nhưng ăn bánh cuốn Thanh Trì, không gì trác tuyệt hơn là điểm vào mấy miếng đậu thật nóng, rán thật phồng trông óng a óng ánh như kim nhũ.

    4. Bánh đúc

    Lâu lâu, đã ngấy với những món ăn béo quá, nặng quá mà có hôm được thưởng thức một món quà thanh đạm như bánh đúc, người ta thấy mình như cũng nhẹ hơn.


       Ăn đến đâu, mát rời rợi đi đến đấy – nhưng đó không phải thứ mát ác nghiệt của thịt bò khô ăn với đu đủ thái nhỏ trộn với lạp chín chương, mà là một thứ mát dịu dàng, thơm tho, bát ngát như hít cả hương thơm của một vườn rau xanh ở thôn quê vào lòng.

    5. Bánh khoái

    Trong bánh khoái nóng hổi, người ta cắt mấy miếng bánh dầy Mơ: Trộn đều lên cho bánh khoái và dầy hợp hoan với nhau rồi ăn, ta vừa thấy vui mắt (vì đậu vàng nổi lên như vị sen trong một cái ao trắng muốt) mà lại êm giọng

    hình như cái ảnh này ko đúng :<

    Cái thú ăn bánh khoái là nó nát mà chính lại ráo rẻ: nhở nha xúc lên đầu đũa ăn từng miếng nhỏ, có vẻ như ăn một bát yến chay - mà cái vị mặn của muối không có công dụng gì khác hơn là nâng cao chất bùi của đậu bánh dầy cho nó nổi lên, như một nghệ sĩ tài tình điểm một hai nét vàng vào một bức vẽ sương sớm cho nổi cảnh sắc u huyền, thơ mộng.

    Miếng ngon Hà Nội / Vũ Bằng / NXB Lao động /

    Miếng ngon giờ vô kể số, cách ăn uống và thưởng thức giờ cũng khác. Giao lưu và giao thoa văn hóa càng làm phong phú hợn cho Ẩm thực Thủ đô. Có miếng ngon đến rồi đi, có miếng ngon sớm rồi thay đổi để hợp với khẩu vị dân Hà thành, có nhiều miếng đã nâng lên tầm cao mới. Nhưng vẫn đọng lại trong mỗi người một cảm nhận khác nhau khi xa Hà Nội.

    6. Bánh Xuân Cầu

    Bánh vuông bằng hai ngón tay và mỏng như tờ giấy bản. Bỏ nhè nhẹ vào trong chảo mỡ nóng, cái bánh nở phồng ra như một nụ thủy tiên hàm tiếu. Mà có khi lại đẹp hơn nhiều, là vì hoa thủy tiên đẹp cao nhã và đứng đắn, chớ cái bánh xuân cầu nở ra thì đẹp một cách rạo rực, trẻ trung. Những màu xanh, đỏ, trắng, tím, vàng, của từng chiếc bánh, lúc chưa rán, có hơi lờn lợt, nhưng rán rồi thì tươi lạ là tươi.


    Ngày Tết, người Tàu có bánh bìa, người Nhật có bánh đậu đen và ngày Chúa Giáng sinh, Tây có bao nhiêu là thứ bánh bằng bơ, phó mát, hạnh nhân, săng ti-y. Nhưng lạ lắm, thưa bà, cái bánh xuân cầu của ta nó ngon đáo để là ngon - nếu tôi được phép dùng một danh từ hơi phàm phu một chút, tôi phải bảo là ngon “da rít”!

    7. Cốm Vòng

    Không, cốm Vòng quả là một thứ quà đặc biệt nhất trong mọi thứ quà Hà Nội -- đặc biệt vì cứ mỗi khi thấy gió vàng hiu hắt trở về thì lại nhớ đến cốm, mà đặc biệt hơn nữa là khắp các "nẻo đường đất nước" chỉ có Hà Nội có cốm thôi.


    Từ tháng tám trở đi, ở Hà Nội, là mùa cưới... Gió vàng động màn the, giục lòng người ân ái... Cũng có đôi khi chàng trai đưa hồng và cốm sang sêu thì mới biết là "người ngọc" đã có nơi rồi:

    "Không ngờ em đã lấy chồng
    Ðể cốm anh mốc, để hồng long tai;
    Tưởng là long một, long hai,
    Không ngờ long cả trăm hai quả hồng!"

    8. Rươi

    Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà nhỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu. Cả một năm chỉ có mấy ngày có rươi thôi; mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết đấy. Cả một mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những bà ân hận, mà người chồng yêu quí của bà rất có thể lại làu nhàu.

    Nhưng mà hỡi người ăn rươi, anh có biết rằng mỗi khi ăn rươi, anh đã nuốt vào lòng bao nhiêu là cuộc tình duyên khăng khít của cái giống hải trùng đó hay không? Anh có biết rằng mỗi con rươi là một câu chuyện đa tình của giống cái thèm trai, có một tấm lòng ác liệt không?

    9. Ngô rang, khoai lùi

    Người bán hàng vừa quạt nhè nhẹ, vừa xoay bắp ngô đều tay cho vừa vặn, không sống mà cũng không cháy trông cứ dẻo quẹo đi. Than trong lò kêu lép bép. Thỉnh thoảng, một tia lửa bay ra bên ngoài như những ngôi sao vi ti đổi ngôi. Ngô chín dần, kêu lên khe khẽ như những con ong non chui ở trong vú khoái ra ngoài vậy.

    Ăn ngô là phải ăn thong thả, từng hạt một, nhấm nháp cẩn thận để nghe cái thú sữa ngô thấm đượm vào môi, vào lưỡi mình. Đặt môi lên bắp, ta có cái cảm giác ấm áp mà lại dịu dàng như môi đặt lên môi cùng hòa một nhịp thở chung tình vậy.

    Nhưng ngô rang thì không thế; ngô rang là một người đẹp ác liệt trong khi ngô luộc là một cô gái nhu mì; ngô nướng có duyên thầm lẩn bên trong thì duyên của ngô rang bong cả ra ngoài.


    Khoai là thứ không thể nào dung được rượu. Nó mươn mướt như da người con gái mà lại gả ép cho rượu là một thứ men nồng - dù là rượu sen, rượu cúc hay rượu mẫu đơn đi nữa - các bạn đã thấy sự gượng gạo, sự lệch lạc, xiêu vẹo thế nào chưa?

    Tôi thấy rằng khoai lang lùi - mà cả khoai sọ lùi cũng thế - chỉ có thể ăn rất mộc mạc, lúc bụng hơi hơi đói và ăn nhấm nháp, rẽ rọt, có ý để cho hơi hơi thiếu, cho thèm...

    10. Gỏi

    Gỏi ăn có một cái thú đặc biệt là có nhiều mùi cay, đắng, chua, ngọt, ngái, hắc, mặn, đủ cả; thi thoảng lại bùi cái bùi của chất lạc, chất vừng và của chất bánh đa nướng - chất bánh đa vẫn dùng ăn với chả cả - thơm thoang thoảng


    Hãy thêm vào một bình rượu sen Tây Hồ thật ngát hương, ta sẽ thấy sống lại cả một thủa thanh bình ngày trước, thời giờ trôi qua đi như tiếng đàn, tiếng hát, mà lòng người ít bàn về chuyện danh, lợi, được thua ...

    11. Quà bún

    Bún, nhưng mà bún gì?

    Quà bún có cả một trăm thứ, nhưng ai đã ở Hà Nội, ai đã đi qua Hà Nội, làm sao mà quên được thứ quà bún phổ thông nhất, bán với cái giá bình dân nhất, ăn một miếng mà nhớ đến một năm, là thứ quà bún chả?

    Ai muốn thanh cảnh, chỉ ăn bún với đậu chấm nước mắm chanh ớt cũng thấy hay. Bún ăn với lòng là một món quà bây giờ phổ thông ở các cửa chợ và dân các phố đông người qua lại; thưởng thức với mắm tôm, chanh ớt, lòng tràng, ruột non, cổ hũ và gan phổi, cũng là một thú đặc biệt - mà giá có một chén rượu đưa cay, cũng chẳng... chết ai!

    12. Chả Cá 

    Nhưng rượu uống thật ngon, uống mãi không say, uống quên cả trời đất thì là rượu uống trong những bữa chả cá mà người Hà Nội vẫn ưa thưởng thức vào những buổi tối mưa sa gió lạnh.

    cha-ca-la-vong-them-mot-mieng-ngon-ha-noi-nha-van-vu-bang-sach-gia-re

    Trên lớp rau thìa là êm ái mướt xanh như nệm cỏ, những miếng cá nục nạc màu vàng nghệ nằm thảnh thơi như những đứa bé nằm chơi ở cánh đồng quê, trông thật ngộ nghĩnh và đẹp mắt.

    Tiếng mỡ nóng phi hành hoa rưới lên kêu lép bép mới làm cho lòng khách ăn rộn ràng làm sao! Một miếng bún, một miếng bánh đa, rồi hành tây, hành ta, rau thơm, mùi, lạc rang, kèm một hai miếng chả chấm đẫm mắm tôm chanh ớt, và từng miếng to, sau khi đã đưa cay hớp rượu, khà khà! béo quá, bổ quá, bùi mà thơm ngon quá...

    13. Thịt cầy

    Ta tự bảo: “Ờ mà, sống ở đời bất quá nhiều lắm cũng chỉ đến sáu, bảy chục năm là cùng. Mà trong sáu, bảy chục năm đó, ngày vui quá ít, lo âu, sầu não lại nhiều, thế thì tội gì lại chuốc phiền khổ vào người cho mệt!

    Ngả con cầy ra đánh chén! “Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”.


    Ôi, cứ nghe người ta nói thì đổ thóc giống ra mà ăn! Ăn thịt chó là thiếu văn minh, ăn thịt chó là bẩn thỉu, ăn thịt chó là bất nhân bạc ác... và còn gì nữa, và còn gì gì nữa!

    Người ta viện lý con chó là bạn của loài người, ăn thịt chó là mọi rợ, thế thì tại sao con ngựa, “một chinh phục cao cả nhất của loài người” mà người u Mỹ cũng đem ra “đánh chén”? Bảo là con chó ăn bẩn, thế thì con gà, con lợn, con cá ăn uống sạch sẽ ư?

    Không. Con chó là con vật để cho người ta ăn thịt; ăn thịt chó không khác gì ăn thịt thỏ, ăn thịt nai, ăn thịt bò. Huống chi thịt chó lại còn ngon và bổ; vì thế tôi cho rằng mặc dầu người ta đàm tiếu thế nào đi nữa, thịt chó vẫn cứ là một món ngon bất diệt của dân ta và tôi tin rằng: “Nước ta còn, thịt chó còn” mà văn hóa ẩm thực của ta mai sau hay, dở là ở điểm có biết duy trì thịt chó hay không vậy.

    14. Tiết canh, cháo lòng

    Cái gì mà lại có thứ cháo loãng thờ, loãng thệch nước đi đàng nước, cái đi đàng cái, lềnh bềnh mấy miếng tiết, cháo và tiết rời rạc, đuểnh đoảng như “ông chẳng bà chuộc” vậy!

    Không, cháo lòng phải là một cái gì khác thế, lạ lùng, huyền bí và lâm ly hơn nhiều lắm. Nhưng khoan đã, sao ta lại có thể nói tới cháo lòng trước khi nói tới tiết canh, lòng lợn? Lòng lợn, tiết canh và cháo lòng là một tam đầu chế, thiếu một thứ thì mất cả sự nhịp nhàng, tiết tấu, vì thế, nói tới cháo lòng, phải nói đến lòng lợn, tiết canh, mà nói có thứ tự, vì ba thứ đó không tha thứ sự vô trật tự.


    Nhưng hỡi người sành ăn, hãy coi chừng! Đừng có thấy lòng tràng, cổ hũ, ruột non, lá lách ngon miệng mà cứ xơi tì tì mãi. Ăn chơi chút đỉnh thôi, chớ đừng để cho khẩu cái hoàn toàn thỏa mãn mà rồi đến lúc tiết canh đưa lên lại thấy hết thèm. Ta phải vừa ăn vừa đợi, vừa ăn vừa giục tiết canh, thì đến lúc được tiết canh ta mới thực cảm thấy cái ngon mát, bùi béo của nó ra sao.

    15. Hẩu lốn

    Thực là kỳ lạ: cũng thuộc vào loại hẩu lốn, Tàu có “tả pín lù” Tây có “lâm vố”, mà ở đây thì có “sà bần”; ba thứ này, cũng như hẩu lốn, đều do các thứ ăn đổ lộn lại với nhau nấu chín lên, nhưng tại sao ăn vào tôi vẫn thấy có một cái gì “khang khác”, không làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn?

    Chao ôi, hẩu lốn thì khác hẳn...

    Một buổi chiều đông, hoa rét trở về với mưa xanh, gió thu, anh bước vào nhà, tự nhiên thấy ngào ngạt một mùi thơm... Hỏi: “Ờ, nhà làm món gì mà ngát thế?”. Đáp: “Hôm nay lạnh, làm món hẩu lốn ăn đấy mà!”

    Miếng ngon Hà Nội / Vũ Bằng / NXB Lao động / 1990

    Ấy thế mà giờ đây, cơm no bò cưỡi. Người ta lại nhớ thèm ra ngoài, thèm được gọi một tô phở tái gầu giòn full topping với đĩa quẩy và ngập hành. Nhưng trên hết, trong giai đoạn chống dịch và tăng cường giãn cách xã hội, mọi hy sinh nhu cầu mỗi cá nhân là cần thiết và cấp bách.

    Chung sức, đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm, nhất định chúng ta sẽ sớm khôi phục kinh tế, ổn định lại đời sống sinh hoạt.

    Còn bây giờ, hãy tạm thời cùng  Duy Nến -  “Kẻ hủy diệt tu từ”, “Chiến thần chơi chữ”, “Chúa tể gieo vần”, “Tù trưởng nhân văn đi khắp phố" để nhớ lại cảm giác thèm được một miếng ngon.


    Bạn muốn trả thù Cô Vuýt 19 sau dịch là gì? Đi mua sắm, đi shopping, đi hát hò, đi phượt, ... và chắc chắn là được đi ăn rồi. Để lại cảm nhận về Miếng ngon đất Thủ đô mà bạn đang khát khao nhất nhé. Còn em thì chắc chắn là một bát phở rồi.

    lời nhắn nhủ

    Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!

    Mới hơn Cũ hơn