Điểm chuẩn đại học 2021 tăng "phi mã" và những nghịch lý khó hiểu

"Bi kịch điểm cao" là cụm từ được rất nhiều thí sinh và phụ huynh thốt lên khi nhìn vào "bức tranh" điểm chuẩn đại học năm nay. Nhiều thí sinh và kể cả phụ huynh đã “ngỡ ngàng”, thậm chí “sốc” khi đạt tới 26-27 điểm và đặt đến 10 hay 20 nguyện vọng nhưng vẫn trượt ngay cả nguyện vọng được coi là "chống trượt". Những điều tưởng chừng như phi lý nhất lại có thể xảy ra trong kỳ tuyển sinh đại học 2021...

"18 tuổi lần đầu tiên tôi biết 27 điểm trượt tất cả các nguyện vọng thi đại học"...

Đây là một bài đăng đã làm "náo loạn" mạng xã hội của một sĩ tử 2003 sau khi biết điểm chuẩn đại học hôm 16.9 vừa qua. Dòng trạng thái này ngay lập tức đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận bày tỏ cảm xúc về điều cảm tưởng như là "không thể xảy ra".

Chủ nhân của dòng trạng thái trên là bạn Dương Công Hiếu – học sinh trường THPT Phương Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) có điểm thi tổ hợp C00 đạt 27 điểm. Với mức điểm không hề thấp, Hiếu đã tự tin đăng ký nguyện vọng vào Học viện Ngoại giao ngành Quan hệ quốc tế, ngành Luật Quốc tế và ngành Luật Kinh tế của Học viện Ngân hàng.

Cho tới khi các trường thông báo điểm chuẩn, Hiếu đã thực sự trải qua cú sốc đầu đời với việc trượt gần như tất cả các nguyện vọng. Mặc dù không trượt tất cả các nguyện vọng như chia sẻ nhưng Hiếu thừa nhận việc trúng tuyển ở nguyện vọng cuối cùng là Đại học Sư phạm Hà Nội không phải ngôi trường em mơ ước.

"Em không thể ngờ điểm chuẩn năm nay lại cao đến thế. Nguyện vọng 1 em thiếu 0,6 điểm, nguyện vọng 2 thiếu 0,3 điểm và nguyện vọng 3 thiếu 0,55 điểm. Em chưa từng nghĩ mình sẽ trượt cả 4 nguyện vọng đã đăng ký và chỉ đỗ nguyện vọng cuối cùng" - Hiếu nói trong sự tiếc nuối.

Một câu chuyện khác tương tự là của bạn Hà Vy - học sinh trường THPT Phạm Hồng Thái Hà Nội. Là học sinh giỏi suốt 3 năm học THPT, Hà Vy đạt được điểm 26,45 điểm tổ hợp D01 và tràn đầy tự tin sẽ đỗ vào ngôi trường Đại học Kinh tế Quốc dân mơ ước.

Nhưng không như mơ, Hạ Vy trượt cả 9 nguyện vọng vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Không chỉ vậy, Vy liên tiếp nhận thêm nhiều cú sốc khi trượt nguyện vọng thứ 10, 11, 12... khi chỉ thiếu 0,3 điểm, 0,1 và thậm chí là 0,05 điểm. Cuối cùng Vy “dừng chân” ở nguyện vọng thứ 14 tại ngành Ngôn ngữ Đức - Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (ULIS). Đây là ngành học khác xa những gì Vy đã định hướng.

"Em thực sự cảm thấy rất sốc và không tin nổi. 26,45 là điểm số không thấp nhưng đánh bật em khỏi 9 nguyện vọng NEU trong một nốt nhạc. Ước mơ NEU ấp ủ từ những ngày cấp 2 đến bây giờ. Có nằm mơ cũng chưa bao giờ em nghĩ đến là mình có thể trượt NEU” - Hà Vy tiếc nuối.

Có chán nản, có thất vọng nhưng mặc dù vậy, Vy vẫn cảm thấy bản thân may mắn và biết ơn nhiều hơn vì ít nhất cô vẫn "đỗ đại học" giữa cơn "sóng thần" điểm chuẩn năm nay. Điểm chuẩn năm nay quá khó lường trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.

Không chỉ chuyện của Hiếu, của Vy mà rất nhiều em học sinh khác rơi vào trạng thái thất vọng khi trúng tuyển vào trường đại học không theo ý muốn. Câu chuyện 26 - 27 thậm chí là 29 điểm vẫn đỗ trường không như ý, thậm chí không đỗ bất kỳ trường nào không phải là câu chuyện hy hữu trong mùa tuyển sinh năm nay.

"Bi kịch điểm cao" là cụm từ được rất nhiều thí sinh và phụ huynh thốt lên khi nhìn vào "bức tranh" điểm chuẩn đại học năm nay. Nhiều thí sinh và kể cả phụ huynh đã “ngỡ ngàng”, thậm chí “sốc” khi đặt đến 10 hay 20 nguyện vọng nhưng vẫn trượt ngay cả nguyện vọng được coi là chống trượt. Mức tăng điểm chuẩn năm nay cũng đã nằm ngoài tưởng tượng, khi “tăng nhẹ” cũng lên đến 3-4 điểm, nhiều ngành tăng đến 9-10 điểm.

 

Năm 2020, khi điểm chuẩn đại học được công bố, nhiều người đã gọi mức điểm đó là "kỷ lục". Tuy nhiên, sang năm 2021, mức tăng của điểm chuẩn lại tiếp tục "dữ dội" hơn hẳn, liên tiếp phá mọi kỷ lục của những năm trước đó. Cũng chính từ những mức điểm "xa xỉ" đến không tưởng, nhiều nghịch lý đã xuất hiện trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Năm 2021, không chỉ có 1 trường mà tới 3 trường lấy điểm chuẩn từ 30 điểm trở lên. Trong đó, giữ kỷ lục về điểm chuẩn năm nay là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức với mức điểm chuẩn "vượt trần" là 30,5 điểm (theo thang điểm 30, không nhân hệ số).

Tiếp đến là ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân của trường Học viện Chính trị Công an nhân dân với 30,34 điểm (xét tuyển với nữ, khu vực miền Bắc, tổ hợp C00). Đây là những mức điểm chuẩn tưởng như vô lý khi thí sinh đạt tới 10 điểm/ môn vẫn có thể trượt. Ngành lấy điểm chuẩn 30/30 điểm là ngành Hàn Quốc học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội với tổ hợp xét tuyển C00.

Nếu như mọi năm những ngành học có điểm chuẩn từ 28 đều thuộc các trường đại học top đầu thì năm nay mức điểm chuẩn từ 28 điểm "không thể đếm hết" đặc biệt ở khối ngành Công an - Quân đội, ngành Công nghệ thông tin, Báo chí - Truyền thông, Kinh tế, Y - Dược. Với mức điểm chuẩn này, thí sinh đạt 9 điểm/ môn cũng không thể đỗ. Quá nhiều trường lấy mức điểm chuẩn "xa xỉ" cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều thí sinh 26 - 27 điểm cũng đành ngậm ngùi "chia tay" với ngôi trường mơ ước hoặc thậm chí là phải tìm cơ hội đợt 2 khi trượt tất cả các nguyện vọng.

Điểm chuẩn đang từng bước "lên mây" khiến nhiều thí sinh điểm cao cũng phải nhận "quả đắng". Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những thống kê khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó có tới, 130 thí sinh có điểm từ 29,5 trở lên trượt nguyện vọng 1. Trong số những thí sinh này, có 69 thí sinh may mắn đỗ vào nguyện vọng khác, còn 61 thí sinh không đỗ bất cứ nguyện vọng nào.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quyết định chưa từng có trong tiền lệ. Đó là trao đổi với các trường đại học để thêm chỉ tiêu xét tuyển đối với những em điểm cao nhưng vẫn trượt đại học. Việc làm này của Bộ giáo dục và Đào tạo đã làm dấy lên những ý kiến trái chiều. Mặc dù vậy, nhiều thầy cô, chuyên gia giáo dục vẫn cho rằng đây là việc làm có thể chấp nhận được nhưng cần các giải pháp lâu dài hơn để tránh tình trạng "lạm phát" điểm chuẩn như hiện nay.

Bên cạnh mức điểm chuẩn công bố, nhiều trường quyết định lấy thêm tiêu chí phụ để "lọc" bớt các thí sinh. Chính điều này cũng gây ra những tình huống "dở khóc dở cười". Đạt điểm cao bằng điểm chuẩn nhưng vẫn không có tên trong danh sách trúng tuyển là trường hợp của 67 thí sinh đăng ký vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Để dẫn đến trường hợp này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết nhiều thí sinh sơ suất không chú ý đến điều kiện và một số tiêu chí phụ của trường. Trong đề án tuyển sinh và quá trình tư vấn tuyển sinh, nhà trường đã lưu ý thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh và không được bỏ qua các tiêu chí phụ. Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhà trường yêu cầu điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7,0 điểm trở lên. PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh, năm nào trường cũng gặp phải tình trạng tương tự nhưng năm nay số thí sinh này lại cao hơn hẳn, tới 67 em.

Nhà trường đã gửi công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh kết quả xét tuyển để hệ thống không xác định những thí sinh này trúng tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để các em có cơ hội trúng tuyển vào một trong những nguyện vọng kế tiếp. Đây là những trường hợp vô cùng đáng tiếc nhưng cũng là lời cảnh tỉnh các thí sinh nên nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của nhà trường.

Trước sự tăng "phi mã" của điểm chuẩn, vẫn có những ngành học nằm ngoài sự tăng trưởng đó đặc biệt là những ngành khoa học đặc thù. Mức điểm chuẩn của nhiều ngành khoa học đặc thù "thấp bất ngờ" khi chỉ lấy quanh ngưỡng 15 - 16 điểm nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy điểm chuẩn các khối ngành chuyên về trồng trọt và bảo vệ thực vật (Nông nghiệp, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật), nhóm ngành chăn nuôi và thú y là 15 điểm.

Trường Đại học Lâm nghiệp chỉ lấy mức điểm chuẩn là 15 điểm với các ngành như Lâm sinh, Lâm học, Kiểm lâm, Khoa học cây trồng, Bảo vệ thực vật,...

Ở khối ngành Môi trường và Thủy sản, Công nghệ thực phẩm điểm trúng tuyển cũng không khá hơn. Chỉ từ 15 điểm, thí sinh có thể đỗ trường Đại học Tài nguyên và Môi trường với hàng loạt ngành học như Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, Quản lý khoáng sản, Khí tượng và khí hậu học, Thủy văn học, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

Mặc dù lấy mức điểm chuẩn gần như "chạm đáy" nhưng nhiều trường vẫn "mỏi mắt" tìm thí sinh và phải thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 từ vài trăm đến hàng nghìn chỉ tiêu.

Không quá khó để các thầy cô, chuyên gia giáo dục phân tích được những nguyên khiến khiến điểm chuẩn đại học tăng vọt trong năm 2021. Từ phổ điểm thi cao, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều, chỉ tiêu các trường về cơ bản không đổi cho tới việc các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức khác,... tất cả đều là lí do "đẩy" điểm chuẩn lên cao chót vót.

Lý giải về hiện tượng điểm chuẩn tăng vọt ở nhiều ngành, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn chỉ ra 3 nguyên nhân chính. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là số lượng thí sinh tăng mạnh, từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh (tăng hơn 11% so với năm ngoái). Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học cao đẳng cũng tăng 24% so với 2020, khiến điểm chuẩn của một số trường tăng vọt.

Lý do thứ hai liên quan đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh. Theo thống kê của Bộ GDĐT, những ngành, nhóm ngành tăng nhiều (từ 5 điểm trở lên) thuộc về khối ngành Kỹ thuật và Công nghệ (70 mã ngành tăng); tiếp đến nhóm ngành Khoa học giáo dục và Đào tạo giáo viên (64 mã ngành tăng). Xếp sau đó là các ngành Kinh doanh & Quản lý, Khoa học xã hội & nhân văn, Pháp luật,…

Lý do thứ ba là điểm bài thi môn tiếng Anh tăng một cách hợp lý. Theo Thứ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và đào tạo, kết quả bài thi môn tiếng Anh đã có phần cải thiện so với năm 2020, từ đó góp phần làm tăng điểm chuẩn.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và đào tạo), cho rằng, việc sử dụng đa dạng các phương thức xét tuyển đại học chưa thật sự phù hợp.

Minh chứng cho quan điểm của mình, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học chỉ ra sự bất thường khi nhiều trường sử dụng phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, xét tuyển kết hợp như hiện nay.

“Không ngẫu nhiên phổ điểm Tiếng Anh năm nay có 2 đỉnh và khoảng cách giữa 2 đỉnh khá lớn. Điều này phản ánh học sinh tại Việt Nam có 2 loại chương trình thực học khác nhau. Cụ thể, đa số học sinh ở thành thị có phong trào, đầu tư học tiếng Anh, nên trình độ sẽ tăng cao. Còn học sinh nông thôn, miền núi sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.

Như vậy, nếu xét chứng chỉ ngoại ngữ là hình thức xét tuyển chính sẽ thiếu đi sự công bằng giữa học sinh các vùng miền. Hơn nữa, học sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ gặp nhiều thiệt thòi" - TS Khuyến nêu quan điểm.

Trước những bất cập trong phương thức xét tuyển đại học nêu trên, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nếu các trường đại học tiếp tục đặt ra những tiêu chí xét tuyển bất hợp lý thì tình trạng 28, 29 điểm không trúng tuyển vẫn tiếp tục diễn ra.

Cũng lý giải cho hiện tượng điểm chuẩn tăng "phi mã", thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI – cho rằng, một phần lý do nằm ở sự phân hóa của đề thi kém hơn trước.

"Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT gần như chỉ còn 1 mục tiêu duy nhất là làm căn cứ xét tốt nghiệp, đề thi trở nên dễ hơn, giới hạn và phạm vi kiến thức hẹp hơn, tính chất phân hóa kém hơn hẳn.

Cũng theo thầy Ngọc, do không được tư vấn, thông tin, định hướng một cách đầy đủ, đa số thí sinh chọn ngành nghề hoàn toàn theo cảm tính, phong trào và chỉ tập trung vào một số ít nhóm ngành về Kinh tế, Y - Dược và liên quan tới công nghệ thông tin,... khiến cho điểm chuẩn tăng rất mạnh.

Điều này dẫn đến một hệ quả khác là ngay trong bối cảnh mặt bằng chung của điểm thi và điểm chuẩn tăng mạnh, vẫn có những ngành "mời mãi mà không có thí sinh chịu học", điểm chuẩn gần như sát sàn, thậm chí còn giảm mạnh.

Những bình luận, ý kiến về "cú sốc" điểm chuẩn đại học đã liên tục xuất hiện trên các trang mạng xã hội, thí sinh thở dài trong tuyệt vọng: "18 tuổi, lần đầu tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết tất cả nguyện vọng”; “Điểm chuẩn làm tôi sốc đến mức đánh sập cả tương lai và ước mơ của mình”; “Lần đầu biết cảm giác thất bại trong chiến lược kinh doanh đầu đời là gì”;…

Mặc dù vậy, nhiều thầy cô cũng khẳng định điểm đầu vào cao không đồng nghĩa với chất lượng thí sinh cao hơn các năm trước. Những “cú sốc” về điểm chuẩn đại học năm nay đã để lại nhiều bài học đắt giá cho học sinh lứa sau.

Trước tình trạng điểm chuẩn "vượt trần", TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, để giải quyết bài toán "lạm phát điểm chuẩn" cần có sự thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học. Theo đó, mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là xét tốt nghiệp. Do đó, việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học chỉ phù hợp với một số nhóm trường.

"Theo tôi, các ngành hot, trường top chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường. Sau đó cần có thêm bài thi để đánh giá

TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban Công tác Sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, câu chuyện thí sinh 30 điểm vẫn không trúng tuyển đại học thực sự là điều đáng tiếc. Từ đó, đặt ra vấn đề về chính sách tuyển sinh của các trường hiện nay. Các trường cần có sự cân nhắc, điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực trạng tuyển sinh hiện nay.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT thực chất là xét tốt nghiệp nên những học sinh giỏi chỉ đạt mức tối đa là 10 điểm/ môn. Còn những học sinh học lực ở mức khá vì đề thi dễ nên vẫn có thể cố gắng để có điểm tuyệt đối. Như vậy, những ngành hot, trường top chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ rất khó xác định được người giỏi thực sự.

Do đó, các trường nên có thêm hình thức kiểm tra đầu vào hoặc tiêu chí phụ để đưa ra điểm chuẩn riêng. Như vậy, vừa đảm bảo chất lượng đầu vào vừa không bỏ sót những trường hợp thí sinh có

Sau khi nếm trải những “cú sốc” về điểm chuẩn, rất nhiều học sinh 2003 đã tự rút ra cho mình bài học và dành lời khuyên cho học sinh các khóa sau: Hãy tận dụng mọi cơ hội, sử dụng linh hoạt, đa dạng nhiều phương thức xét tuyển để đạt đến mục tiêu là đỗ vào ngành học yêu thích nhất. Đặc biệt, không nên "đánh cược", hãy cố gắng tìm kiếm chìa khóa để mở cánh cửa đại học ước mơ.

[full-width]

lời nhắn nhủ

Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!

Mới hơn Cũ hơn