Quan biến đổi gien - Giận mà thương - Kịch bản đê

Bác có nhớ hồi bé mỗi lần được cho quà ta thấy sướng vô cùng, quà tặng là niềm vui không nhỏ trong cuộc đời. 

Thế mà đến nay nhiều nước đã phải ra luật cấm nhận quà. Tổng thống Nga năm ngoái đã cho sửa Bộ luật Dân sự, quy định giới hạn quan chức nhận quà không quá 100USD (3.000 rúp).

Quan biến đổi gien

💬 Quà chú nhớ đời là quà trẻ con. Quà người lớn nó khác. Tự cổ chí kim vào cửa quan mà không quà cho quan, quên việc xin giải quyết đi. Tháng 12.2008, cơ quan chống tham nhũng Châu Âu đã xếp Nga là nước “tham nhũng đã lan rộng và là một hiện tượng có hệ thống”. Vì thế từ 1.6.2010, nước Nga cấm hoàn toàn quan chức nhận quà. Những quan chức nhận quà (kiểu hối lộ) sẽ bị mất các quyền ưu đãi, miễn trừ cũng như sẽ bị tịch thu các tài sản cá nhân có liên quan. 

Như thế là dưới 100USD cũng không được?

💬 100USD không là cái đinh. Vụ ông làm đại lộ ở TPHCM xử rồi, vẫn còn sang Nhật điều tra tiếp, hàng trăm ngàn đô nhé!

Thu nhập dân mình phấn đấu có 1.000USD/năm. Đánh một quả ăn trăm nghìn thì… đời quan quá sướng!

💬 Chả cứ quan Nga, ở ta vừa có vụ tặng quà bị công an bắt quả tang. Có ông Giám đốc Công ty caosu S.L, có dự án khai hoang trồng rừng caosu với diện tích hàng nghìn hécta, có giá trị hàng chục tỉ đồng. Công ty này mời các đơn vị tham gia dự án. Doanh nghiệp TR.TH được ông giám đốc mời tham gia với điều kiện phải chi quà 300 triệu đồng. Ngày 24.5, tại khách sạn Kim Liên, Hà Nội, công an đã bắt tận tay hai ông biếu và nhận quà. Quà thế mới đáng gọi là… hối lộ.

Người ta phải có chức có quyền mới được “quả đậm” như thế, lại phải có dự án nữa. Dự án là cái bánh gatô, nếu các quan tham ăn cả thì chỉ ăn một cái bánh. Nhưng quan đâu có tham ngớ ngẩn như vậy, cắt ra từng miếng chia cho nhiều “cộng sự” cái bánh nở to thành mấy chếc.

💬 Thôi đừng nói chuyện viển vông. Công chức mà “biến đổi gien” mới thành quan tham. Nếu bảo tồn gien đạo đức cách mạng, là “công bộc” của dân thì chỉ là các bác cán bộ đáng kính trọng, cả đời vì nước vì dân.

Họ biến đổi làm sao mà bác biết được, bề ngoài họ vẫn là “công bộc”?

💬 Ông Giám đốc caosu SL trong vụ này cuối năm 2009 là một trong 80 gương mặt tiêu biểu của ngành caosu, được tuyên dương trong dịp kỷ niệm 80 năm caosu VN (Nguồn: Báo Tuổi trẻ, 28.5.2010). Thế mà biến đổi nhanh quá

 

Giận mà thương

💬 Có tin ở vịnh Lăng Cô, từ khi được công nhận danh hiệu “đẹp nhất thế giới” bà con đua nhau làm nhà giả.

Nhà giả là nhà hàng mã, đốt cho người dưới âm?


💬 Không phải mã, những ngôi nhà tạm, dưới 10m2 được làm cả ven đường, xung quanh trồng cây, vườn chăng thép gai, chẳng ai ở, chỉ chờ đền bù. Những bãi hoang này có gì để sinh sống được mà ở? Cây cối cũng còi cọc, trời nắng như đổ lửa, ai chui vào những “kiốt” ấy làm gì. Những ngôi nhà chờ dưới gốc sung trông thật tiêu điều, buồn bã cho cảnh sống người dân trước giờ mất đất. Tất cả vùng đất đẹp này chắc chắn sẽ là những khu nghỉ mát của các dự án triệu đô đang mọc lên bên bờ vịnh.

Như thế là có dấu hiệu trục lợi với dự án.

💬 Bác ơi, nói “lên gân” bao giờ cũng từ đúng trở lên. Nói đạo lý, luật pháp lại càng có lý. Nhưng thử đặt mình vào vị trí bà con mà xem, nay mai (nếu như) nhận thêm được chút tiền đền bù cũng chẳng thể thay đổi được cuộc sống. Phú quý hào nhoáng mọc trên đất nghèo, đẩy bà con vào sâu hơn, xa hẳn vùng đất đẹp. Chưa nói đến kế sinh nhai, người dân bị các dự án “xua” đi, phải di cư sang đất mới, có gì vui? Cố gắng cuối cùng dù có mang tính trục lợi, nghĩ “giận thì giận mà thương càng thương”.

Chú ca như cải lương. Muốn phát triển, trước tiên phải xoá quá khứ nghèo nàn. Dự án nào cũng có đền bù, có tính đến tái định cư, tới đời sống bà con.

💬 Nhưng sao vẫn còn một số bà con phải ra đi nhưng không hài lòng, khiếu kiện liên tục vì đền bù không thoả đáng, nhiều nơi còn có phản ứng tiêu cực, trây ỳ?

Điều đó thuộc trách nhiệm của các nhà đầu tư. Xây dựng cơ sở hạ tầng, làm khu đô thị mới, khu “dìdọt” mà toàn chơi kiểu mua rẻ bán đắt, ai mà chịu được.

💬 Ai quản lý các nhà đầu tư “thất đức” như thế?

Có luật cả rồi, lo gì.

💬 Tớ nghĩ đương nhiên là có luật, có cơ chế, nhưng có lẽ còn “có phần” cả với nhau nên mới có chuyện “gì thì gì cuối cùng dự án vẫn khởi công”. Nay mai công trình to đẹp long lanh hoàn thành, người ta chỉ nhìn thấy cái hào nhoáng, hình bóng người dân cũ cứ nhoà dần…

Kịch bản đê

Dễ có đến 40 năm nay miền Bắc không vỡ đê. Ngày trước nghe nói Nam Bộ không cần đê, lũ về ngập một chút nhưng ruộng lại được bón phân tự nhiên, có cá trời làm mồi nhậu. Mùa lũ nghỉ làm đồng, ngồi nhà nướng cá, ba xị đế lai rai sướng như vua! Trong khi đó, miền Bắc năm nào cũng phải hộ đê. Xe gắn biển “hộ đê” là cứ chạy, chấp công an (!).

Đó là ngày trước thôi. Nam Bộ bây giờ nếu không có bờ bao cũng khó làm ruộng. Đang có dấu hiệu đắp đê rồi.


Thay đổi cả phương thức canh tác ngàn đời à? Chuyện tày trời vậy sao không nghe nói có nghị quyết gì nhỉ?

Cách đây 3 năm, Chính phủ Úc đã viện trợ cho VN 37 triệu đôla Úc - tương đương 610 tỉ VND để đắp đê thí điểm ở Nam Bộ.

Đúng không?

Trăm phần trăm. Ở vùng Tân Châu, An Giang có khu Bắc Vàm Nao, có diện tích 31.000ha. Dự án kiểm soát lũ ở vùng này đã đắp 100km đê bao khép kín, cao tới 6m; bên trong có 300km đê bao tiểu vùng, 16 cống chính, 40 cống bọng cùng 91 tuyến kênh. Khi lũ lớn sẽ đóng - mở các cống điều tiết nước. Thế là bà con có thể làm ba vụ lúa/năm, không lo bị lũ chụp.

Ngon lành quá, chỉ cần một ban quản lý nước là sẽ làm ruộng an toàn như miền Bắc.

 Khác chứ, một năm chỉ phải đóng - mở cống hoàn toàn khoảng 10 - 15 ngày; còn lại vẫn “chung sống với lũ” bình thường. Miền Bắc hạn thì bơm tưới, mưa bơm tiêu, quanh năm vất vả, lúa má thu hoạch chỉ đủ ăn là cùng. Miền Trung còn hoang hoá vì khô hạn.

Đến bao giờ thì dự án này được nhân ra?

Ai nói mà biết. Hiện nước Úc họ giúp làm có vậy, cả Nam Bộ mênh mông đồng cò bay, mùa lũ lại mênh mông đồng nước trắng. Có đến “chín con rồng” mùa mưa thì phun nước, mùa khô lại uống nước mặn, chả ra làm sao. Nếu bây giờ đắp đê như miền Bắc, hay như dự án Bắc Vàm Nao thôi, liệu 9 con rồng có khuất phục?

Chuyện lớn lắm bác ơi, mình đâu phải cỡ bàn. Nhưng 50 năm nữa nước biển dâng (tầm nhìn cuối thế kỷ là 1m) chắc phải thực hiện “kịch bản” đê, một “kịch bản” tự nó đến chứ không cần tác giả như hiện nay.

lời nhắn nhủ

Cảm ơn bạn đã để lại Trí Khôn nơi tăm tối này! Chúc một ngày với tốt lành đến với bạn và người thân!

Mới hơn Cũ hơn